Đó là quan điểm của ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty PMC liên quan đến đề xuất bỏ ngành quản lý, vận hành tòa nhà ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngành quản lý, vận hành tòa nhà đòi hỏi nhiều về chất lượng nhân sự. Ảnh: Shutterstock.
Thông tin được nhiều thành viên thị trường quan tâm gần đây là việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất bỏ ngành quản lý, vận hành tòa nhà ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Ở đây, chúng ta cần đặt lại vấn đề là, tại sao lĩnh vực quản lý tòa nhà cao tầng nói chung và vận hành mảng nhà ở nói riêng lại cần có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trước tiên, cần nhìn nhận rằng, việc quy định về giấy phép kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, tức xã hội ta nói chung, nền kinh tế nói riêng đang dần hình thành để phát triển một nền kinh tế chuẩn mực.
Ở nước ta, các sắc luật hình thành và thực thi luật pháp chuẩn mực của nền kinh tế thị trường chưa đủ đặc trị, dẫn đến buông bỏ các thiết chế luật pháp. Trên thực tế, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp vi phạm về nguyên tắc nghề nhưng vẫn chưa đủ chế tài để xử lý.
Phải chăng đây cũng là tình trạng của ngành quản lý, vận hành tòa nhà?
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty PMC
Phải nhìn nhận rằng, nghề này mới du nhập vào Việt Nam và vẫn còn non trẻ. Các chuẩn mực và tiêu chuẩn về nghề quản lý và vận hành cũng chưa có đầy đủ. Đó là còn chưa nói đến việc chúng ta cần có các cơ quan chế tài nhằm giám sát thực thi chuẩn mực cũng như bộ tiêu chuẩn của nghề.
Với toà nhà cao tầng hiện nay, các hệ thống trang thiết bị hiện đại và đòi hỏi nhân sự có tay nghề cao, có kinh nghiệm vận hành cũng như liên tục đào tạo, nâng cao trình độ nhân sự. Tuy nhiên, hầu như các cơ sở đào tạo đều chưa có chuyên ngành này, đây vẫn là câu chuyện tự thân của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, hoạt động quản lý toà nhà liên quan đến sinh mạng con người. Do vậy, rõ ràng sẽ có nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu như chúng ta để cho các doanh nghiệp tự do hoạt động trong lĩnh vực này.
Vậy ở các nước thì sao?
Đối với các quốc gia đã phát triển, thì bất cứ nghề gì cũng đều phải có những chứng chỉ hành nghề từ người cắt tóc, bác sĩ, luật sư, giáo viên… Các chứng chỉ này nó khác hoàn toàn với các bằng đại học hay cao đẳng.
Chứng chỉ nghề là nơi có giấy phép đào tạo, xác nhận một nhân sự nào đó đã được đào tạo nghề và chuyên môn gì, có bao nhiêu năm kinh nghiệm, tay nghề bậc mấy, loại nào, có thể nâng lên các vị trí cao hơn được không…
Hơn nữa, nghề quản lý tòa nhà liên quan đến hàng ngàn con người, từ trẻ đến già, nên nhiều nước phân loại theo tuổi tác, kinh nghiệm, năng lực.
Tất cả các nhân sự đều phải qua đào tạo để có chứng chỉ hành nghề, từ cấp cao nhất là các giám đốc toà nhà, kỹ sư trưởng (vai trò lớn nhất trong quản lý và vận hành tòa nhà), đến các công nhân làm sạch (cấp thấp nhất) đều phải có chứng chỉ. Sau đó, các cá nhân này được niêm yết và tuyên bố công khai trên các cơ quan quản lý.
Ví dụ như ở Thái Lan, mỗi một loại hình bất động sản, họ phải treo mã số của giám đốc toà nhà tại cửa và được công bố trên mạng.
Nói một cách khác, chúng ta cần phải phân biệt đâu là chứng chỉ hành nghề và nội dung trong chứng chỉ quản lý toà nhà được chia ra nhiều cấp bậc và mỗi một cấp bậc phải vượt qua được chứng chỉ nghề nào đó.
Tức chứng chỉ hành nghề là bắt buộc?
Đúng vậy. Chứng chỉ hành nghề là một trong những yêu cầu tối thiểu phải có trong hoạt động nghề vận hành quản lý toà nhà.
Vậy, cơ quan nào sẽ cấp các chứng chỉ kiểu này?
Ở các quốc gia phát triển, đôi khi có những hiệp hội dân sự tự cấp phép. Còn những quốc gia không có hiệp hội dân sự, thì do các viện, công ty đủ năng lực đào tạo, cấp phép.
Vậy ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa nên “buông” ngành này, chưa nên đưa ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện?
Đúng vậy. Ngành này còn non trẻ và có liên quan đến an toàn, sinh mạng của rất nhiều người. Chỉ nên buông khi chúng ta có thể làm thật tốt công tác hậu kiểm, quản lý, giám sát tốt hoạt động của các doanh nghiệp.
Thành Nguyễn (Tin nhanh chứng khoán)