Trước nguy cơ lây nhiễm dịch viêm phổi cấp do do chủng mới của vi rút Corona đang diễn biến phức tạp, nhiều chung cư đã thực hiện hàng loạt giải pháp tăng cường chống dịch.
Chung cư Azura Đà Nẵng kiểm tra thân nhiệt khách ra/vào tòa nhà
Hơn một tháng nay, chị Hương, sinh sống tại khu đô thị Văn Phú Victoria (quận Hà Đông, Hà Nội) quá quen với việc ra vào tòa nhà phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Mỗi khi ra khỏi hầm gửi xe, chị phải rửa tay bằng nước rửa tay khô trước khi chạm vào cửa, bấm thang máy lên vào tòa nhà.
Ban đầu, chị hơi khó chịu do thủ tục vệ sinh rườm rà, bất tiện, mất thời gian, nhất là những khi đang vội công việc. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng, chị Hương mới thấy được sự quan trọng của công tác phòng dịch ngay từ đầu.
Không chỉ tại chung cư nhà chị Hương, nhiều chung cư trên địa bàn cả nước cũng tăng cường các biện pháp chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Hà Nội hiện đang hơn 1.400 khu chung cư, khu tập thể cũ. Với đặc thù là nơi có mật độ cư dân đông nên khi bệnh dịch Covid-19 xuất hiện, chính quyền các địa phương, ban quản trị, cư dân sinh sống và làm việc tại các tòa nhà đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng), ban quản trị cho đặt các chai nước rửa tay khử khuẩn tại các sảnh tòa nhà cho cư dân sử dụng. Các tòa nhà cũng khuyến cáo toàn bộ cư dân đeo khẩu trang đúng cách, dùng thẻ từ để thực hiện việc mở cửa ra vào thay cho sử dụng vân tay.
Chị Thư, một cư dân sống tại đây chia sẻ, chị khá yên tâm khi thấy các nhân viên vệ sinh của toà nhà thường xuyên khử khuẩn bằng hóa chất Cloramin B tại tất cả các vị trí có nguy cơ lây nhiễm cao như sảnh, hành lang, thang máy.
Công tác này vốn đã được thực hiện ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện sau Tết, lại càng được tăng cường hơn trong thời gian gần đây khi dịch bệnh bước vào giai đoạn mới phức tạp hơn.
Tại chung cư Nam Đô (quận Hoàng Mai), nhân viên tạp vụ cũng thường xuyên vệ sinh khu công cộng, hành lang, tay nắm cửa, thang máy, máy xác nhận vân tay và các phòng chức năng. Riêng thang máy, nơi thường xuyên có người tiếp xúc, cứ 60 phút các nhân viên lại khử trùng một lần.
Ông Trần Việt Bách, Giám đốc ban quản lý toà nhà Sky City Tower (88 Láng Hạ), cho biết, từ ngày 30/1, ban quản trị chung cư đã chủ động liên hệ với trạm y tế phường phun thuốc khử khuẩn tại khu vực công cộng của chung cư. Ban quản lý cử nhân viên thường trực trước cửa thang máy nhắc nhở cư dân đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay khô có sẵn, hạn chế nói chuyện trong thang máy.
Toà nhà cũng dán ni lông tại các nút bấm cửa thang máy để tránh truyền nhiễm vi khuẩn và dễ dàng hơn trong công tác vệ sinh.
Tại các chung cư do Công ty CP Quản lý và khai thác toà nhà PMC đang quản lý, hơn một tháng nay, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cũng thường xuyên được các ban quản lý các tòa nhà chú trọng. Không chỉ dán thông báo tại các thang máy lưu ý cư dân và khách nên sử dụng khẩu trang y tế, cách phòng bệnh, ban quản lý còn đặt chai rửa tay sát khuẩn để mọi người sử dụng trước khi bấm nút thang. Nhân viên làm sạch của tòa nhà cũng được yêu cầu thường xuyên khử khuẩn nút bấm thang máy.
Đặc biệt, các toà nhà chung cư có người nước ngoài sinh sống, công tác phòng dịch còn “căng thẳng” hơn nhiều do các yếu tố liên quan đến người nước ngoài. Khó khăn hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh là việc rà soát, nắm bắt thông tin về người nước ngoài có lịch sử đi qua hoặc về từ vùng dịch.
Tại chung cư Azura Đà Nẵng – nơi đang có nhiều khách Hàn Quốc sinh sống, ban quản lý sát sao trong việc kiểm tra thân nhiệt khách ra/vào tòa nhà, yêu cầu người nước ngoài cung cấp thông tin cho nhân viên lễ tân về hành trình trong 14 ngày trước, có đến thăm hoặc quá cảnh qua những vùng có dịch hay không. Những thông tin này sẽ được báo cáo cho địa phương vào cuối ngày.
Một chung cư khác có nhiều căn hộ được cư dân cho khách nước ngoài thuê là toà nhà Watermark (quận Tây Hồ, Hà Nội), cư dân toà nhà thậm chí còn kiên quyết không nhận khách thuê theo ngày bắt đầu từ 20/1; đồng thời, nhanh chóng báo cáo người nước ngoài tại toà nhà cho các cơ quan quản lý nắm bắt kịp thời.
Những con người thầm lặng
Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là tại những toà chung cư có người nghi ngờ, tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, công việc của ban quản lý cũng vất vả hơn nhiều so với trước. Hàng ngày, các nhân viên ban quản lý phải lên từng phòng, đo thân nhiệt, mua đồ ăn cho các hộ bị cách ly. Người ra vào toà nhà phải đo thân nhiệt, việc kiểm soát khắt khe hơn nhiều.
Các nhân viên vệ sinh của các toà nhà cũng bận rộn hơn khi liên tục tăng cường khử khuẩn hàng ngày, làm sạch kỹ hơn các khu vực công cộng.
Chị Mai, một nhân viên tạp vụ của chung cư Muberry Lane, Hà Đông chia sẻ, dịch vụ vệ sinh của dự án từ trước đến nay luôn được thực hiện 24/7. Nay với sự xuất hiện của dịch bệnh, công việc của chị lại càng bận rộn.
Không chỉ những người trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch tại chung cư, các lãnh đạo quản lý chung cũng “căng mình” chống dịch.
Gần hai tháng nay kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc PMC ngày nào cũng “quay cuồng”. Hết nghiên cứu, đưa ra phương án chỉ đạo công tác chống dịch, quản lý chung tại các chung cư do PMC vận hành, ông lại đích thân xuống các toà nhà, bám sát hiện trường, đi kiểm tra chất lượng dự án nhiều hơn để đảm bảo mọi việc được “chuẩn chỉ”.
Ông Huy chia sẻ, từ khi có dịch bệnh xảy ra, trước đây là H1N1 và nay là Covid-19, công ty đã quan sát và nhận thấy việc thành lập đội phản ứng nhanh, trong đó các giám đốc tòa nhà chính là các trưởng ban là hết sức cần thiết. Cũng nhờ những đội phản ứng nhanh này mà công tác phòng dịch được thực hiện hiệu quả.
Theo đó, mỗi đội phản ứng nhanh sẽ phải cập nhập tình hình, diễn biến dịch và các chỉ đạo của Bộ Y tế, các Sở Y tế cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới nhằm xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động của ban quản lý và truyền thông tới mọi cư dân và khách hàng để xây dựng ý thức cộng đồng chung một cách hiệu quả.
Ngoài ra, công ty cũng theo dõi chặt chẽ các cư dân/khách thuê có triệu chứng hoặc đi/đến từ vùng dịch hay người thân có liên quan đến nCoV để phối hợp với cơ quan y tế khi cần thiết. PMC còn có các bác sỹ cộng đồng thường trực ở cấp công ty cũng như cấp dự án để hướng dẫn trực tiếp ban quản lý thực hiện phòng chống dịch.
Cũng theo ông Huy, sau khi dịch vào giai đoạn mới trong mấy ngày gần đây, số người lây nhiễm trên phạm vi cả nước tăng mạnh hơn trước, dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, công việc của cán bộ nhân viên toàn công ty lại càng nhiều hơn, công tác quản lý càng được kiểm soát chặt chẽ.
Công việc có vất vả hơn trước, cũng thường xuyên làm thêm giờ, nhưng theo ông Huy, quan trọng nhất là mọi người cùng chung tay góp sức không để dịch bệnh lan tới tòa nhà.