Tốc độ đô thị hóa quá nhanh cùng với bùng nổ dân số, quỹ đất dân sinh bị thu hẹp đã khiến các dự án chung cư liên tục phát triển tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Trên thế giới, chung cư là một cộng đồng sinh sống văn minh, hiện đại và mang tính nhân văn cao. Tại Việt Nam, do còn nhiều hạn chế về các quy định pháp luật cùng với sự thiếu đồng bộ trong quản lý nên nhiều chung cư đã phát sinh vấn đề như mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư, mâu thuẫn giữa cư dân với cư dân gây khiếu kiện, tranh chấp kéo dài. Ngoài ra, về mặt bản chất, tòa nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả cư dân nhưng hiện nay cho thấy cư dân chung cư có rất ít quyền hạn trong tham gia vào công tác quản lý, bảo trì bảo dưỡng tòa nhà.
Trên thực tế, đối với đa số người dân Việt Nam, ngôi nhà là một trong những tài sản có giá trị lớn nhất trong cả cuộc đời mỗi người. Hơn thế nữa, tâm lý chung của người dân Á Đông là “an cư lạc nghiệp” nên bất động sản không chỉ là một tài sản vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Chính vì vậy, trách nhiệm của mỗi người là cùng nhau duy trì tài sản của mình ở điều kiện tốt nhất và gia tăng giá trị của bất động sản theo thời gian.
Thấu hiểu điều đó, PMC mong mỏi các cư dân trên khắp các chung cư cả nước được can dự sâu, tác động một cách tích cực vào chính sách quản lý tòa nhà để họ có thể tự mình quyết định các chính sách, phương pháp tốt nhất nhằm bảo vệ và gia tăng giá trị cho tài sản của mình.
Thực tế tại nước có xã hội dân sự phát triển cao như Hongkong, Hàn Quốc, Singapore… đã cho thấy Ban Quản trị chính là hình thức tổ chức, một phương tiện giúp người dân tham gia quản lý bất động sản của mình một cách tích cực và chủ động nhất. Trên tinh thần tôn trọng quyền làm chủ của cư dân kết hợp với kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực quản lý bất động sản tại thị trường Việt Nam, PMC mong muốn cung cấp một khung hướng dẫn thành lập và cơ chế hoạt động của Ban Quản trị nhằm giúp các cư dân thấu hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc đóng góp, xây dựng tạo nên giá trị gia tăng cho mỗi tòa nhà chung cư.
Vai trò của việc thành lập Ban Quản trị chính là:
- Mỗi tòa nhà chung cư hiện nay bao gồm hàng trăm đến hàng nghìn căn hộ. Đó là tài sản chung của các cư dân. Chính vì vậy, mỗi cư dân phải có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý và bảo trì bảo dưỡng tòa nhà. Họ phải tham gia và chịu trách nhiệm cho các tai nạn có thể xảy ra trong quá trình quản lý hoặc bảo trì tòa nhà chưa đúng cách.
- Quản lý và duy trì chung cư không phải là việc đơn giản. Nó bao gồm vô số vấn đề liên quan từ dịch vụ làm sạch, dọn dẹp, an ninh trong khu vực công cộng cho đến các công việc không định kỳ, chẳng hạn lựa chọn công ty quản lý tài sản và phí bảo trì bảo dưỡng tòa nhà. Tất cả các vấn đề đó chỉ được thực hiện một cách suôn sẻ, êm thấm khi nhận được sự đồng thuận của tất cả các cư dân. Nhưng đối với các tòa nhà có đến hàng nghìn căn hộ thì điều này là không khả thi thậm chí là không thực tế.
- Chính vì sự phi thực tế đó nên mỗi chung cư cần lập ra một Ban Quản trị. Theo Luật nhà ở, Ban Quản trị sẽ đại diện cho ý chí, quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các cư dân để quyết định những vấn đề cốt lõi liên quan đến quản lý chung cư.
- Ban Quản trị được quyền kiểm soát, sửa chữa, quản lý các khu vực công cộng và các tiện ích chung của tòa nhà. Ban Quản trị có quyền thay mặt cư dân kí kết hợp đồng với các công ty quản lý, vận hành nhà chung cư cũng như hợp đồng bảo trì với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Ban Quản trị có quyền chỉ định hoặc chấm dứt hoạt động đối với một công ty quản lý và quyền theo dõi, kiểm tra các công việc của công ty này.
- Theo Luật nhà ở, Ban Quản trị chung cư hoạt động theo nguyên tắc đa số. Mọi vấn đề về việc kiểm soát, quản lý các khu vực công cộng của tòa nhà đều được thông qua trong Hội nghị nhà chung cư .
- Ban Quản trị tiến hành lấy ý kiến của cư dân đánh giá chất lượng dịch vụ quản lý vận hành của doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; thay mặt cư dân nêu các đề xuất, xin hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan chức năng nếu cần.
Quản lý chung cư không chỉ có một cách duy nhất là thông qua Ban Quản trị nhưng thực tế tại các nước đã cho thấy đây là một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay.