NHỚ PHỐ NHỘN NHỊP, NHỚ CÀ PHÊ SÀI GÒN – Câu chuyện của Mr. Trần Thanh Quốc
—————————————————————
Khi TP.HCM giãn cách xã hội, tôi nhớ về một thành phố nhộn nhịp với bánh tráng trộn, cà phê bệt trên các dãy phố đầy thơ mộng với hoa dầu bay trong gió…
Sài Gòn nổi tiếng bởi những nơi giải trí sang trọng, nhưng đằng sau sự nhộn nhịp, sang trọng ấy còn có những nơi bình yên và đời thường. Và có lẽ Sài Gòn đẹp nhất là lúc về đêm. Không lung linh rực rỡ như đèn hoa ngày Tết, nhưng cũng đủ làm ta lắng mình trong một quán cà phê nào đó, vừa nhâm nhi, vừa ngắm khung cảnh thành phố về đêm, bất chợt bạn nhận ra rằng thành phố này thật xinh đẹp và quyến rũ biết bao. Một thành phố không ngủ chắc chắn không thể thiếu những quán cà phê không ngủ. Những lữ khách chờ chuyến xe đêm, những nhóm bạn đi ăn khuya quá giấc, bác xe ôm, anh công nhân quét đường hay những nghệ sĩ đi lang thang tìm cảm hứng đều có thể là khách quen của những quán cà phê cóc đơn sơ ven đường.
Cà phê Sài Gòn có một nét văn hóa rất riêng. Thoạt nhìn thì trông có vẻ xô bồ, bát nháo. Nhưng thực ra rất đa phong cách, có thể làm vừa lòng rất nhiều “tín đồ” cà phê của các nền văn hóa khác nhau. Người Bắc vào Sài Gòn vài lần sẽ không thể hiểu nổi tại sao cái thứ nước đen đen, phảng phất mùi cà phê và ngọt như “chè đỗ đen” lại được dân Sài Gòn chuộng đến thế. Tối ngày sáng đêm, bất kể lúc nào dân Sài Gòn cũng có thể uống cà phê. Từ quán cà phê bệt vỉa hè tới những quán sang trọng giá một ly bằng một ngày lương của lao động công nhật, cứ mở cửa là có khách.
Ở Sài Gòn, đâu đâu cũng có quán cà phê hiện diện, từ góc hẻm nhỏ đến những đại lộ. Không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu quán cà phê tại Sài Gòn vì biểu đồ cà phê ở đây chi chít và biến đổi liên tục như một bầu trời sao. Sự tiện dụng của các quán cà phê ở Sài Gòn phổ biến tới mức xuất hiện hầu hết trong cuộc sống đời thường của người dân nơi đây. Đãi khách, bàn công việc, gặp gỡ bạn bè, muốn yên tĩnh chiêm nghiệm bản thân – cuộc đời, muốn thư giãn… đều được thực hiện ở quán cà phê.
Tất cả những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Thương lắm Sài Gòn ơi!