MƯA ĐÔNG – Câu chuyện của Mr. Bùi Trọng Bằng
———————————————————-
Mùa đông đến, không lạnh lắm, vẫn còn hiu hiu những cơn gió nồm, cảm giác thật dễ chịu. Ấy vậy mà chỉ một đợt không khí lạnh tràn về, cái lạnh của mùa đông mới thực sự. Gió luồn qua mái tóc, cố gắng lách mình qua những lớp áo khoác dày xụ thấm vào trong da.
Ở thành phố, gió không lạnh bằng ở quê. Những tòa nhà san sát nhau chắn gió. Người đi đường ít ra vẫn còn thấy an toàn trong lớp áo len. Thế mà đặt chân trên con đường quê, lại là một sự đối lập. Cái rét ở quê là một cái rét đặc biệt. Gió mùa lại kèm theo mưa. Trời buốt lại càng buốt hơn. Mà mùa đông mưa như vậy phải kéo dài tới mấy ngày, có khi lại cả tuần chứ chẳng ngắn.
Nhớ khi còn nhỏ, âm thanh mùa đông phát ra từ những tiếng tí tách của bếp rạ bếp củi. Trời rét, vào bếp đốt củi nướng một củ khoai, nấu một nồi cơm, ngọn lửa bập bùng, thế là ấm. Mặc kệ ngoài trời vẫn cứ âm u, đám mây xám xịt thiếu sức sống, mưa rơi lạnh lẽo.
Cứ đến mùa đông hình ảnh cái chăn bông nặng huỵch phải tới cả gần chục cân lại lại ùa về trong ký ức. Bên ngoài bọc lớp vỏ nhung hoặc vỏ chăn màu bộ đội mỏng. Chăn nặng, sức bao bọc cũng dày, ấm áp, đặc trị những ngày quê lạnh tới thấu xương. Rét ở quê, không chỉ lạnh và buốt mà còn nồm ẩm.
Trong những ngày sương giăng đầy cánh đồng, những hạt sương trắng xóa làm mờ đi mọi thứ. Khi sương tan, giọt sương giữ lại trên cỏ tạo ra một cảm giác thơ mộng. Rét trải dài trên đất, khiến mọi thứ trở nên lạnh buốt. Lớn lên, bếp củi và bếp rạ có lẽ đã trở thành quá khứ, nhưng cái chăn bông to lớn nặng trĩu vẫn được cải tiến thành những chiếc chăn lông vũ mỏng nhẹ, vẫn giữ nguyên sức ấm. Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng cái rét của quê hương vẫn là như cũ, giữ nguyên đặc trưng của mình mỗi cuối năm…