“Từng cơn gió bấc ào ạt trên mái nhà cũng là lúc trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn sàng ba bốn vại dưa cà. Tôi nhớ những ngày mưa phủ kín trời, mâm cơm đạm bạc bao giờ cũng có món dưa muối chua của bà.
Cạnh chạn bát nhà tôi là một bộ sưu tập mấy cái vại sành xếp chồng lên nhau. Cái to nhất ở dưới cùng nén cà bát, phòng khi bão gió mà lỡ buổi chợ. Chiếc vại nhỡ nhỡ lồng bên trong vại to, để nén dưa cải Đông Dư, cả cây cải to như cái nơm gà, cũng để phòng khi bão gió cơ nhỡ. Tiếp nữa là chiếc vại bé hơn, chuyên muối cà pháo. Trên cùng là chiếc vại nhỏ nhất, chuyên muối xổi dưa cải ăn hàng ngày. Trên chốc hàng vại to nhỏ ấy, là chiếc thớt to đậy trên tránh bụi, và cũng để nén dưa dưa cà cho chặt chịa, lâu ngày cũng không bị thâm khú.
Bà thủ thỉ với tôi rằng, muốn dưa ngon phải muối trong chum đất, như thể dưới cái chum tối om ấy có phép màu. Bà sắp những cọng dưa thành từng lớp, rồi đổ nước muối pha loãng để nguội vào chum. Nước muối ngập đến lớp trên cùng, ngoại thêm một ít nước vo gạo cho dưa mau chua. Rồi đặt lên trên một tấm phên tre mỏng, dùng hòn đá cuội sạch đè xuống để ủ kín dưa. Sau cùng bà đậy nắp chum lại, chỉ vài ngày cọng dưa sẽ đổi thành màu vàng sẫm xanh, chua và thơm thì ăn được. Từng cọng sừng sựt chạm vào đầu lưỡi vị chua đằm, mặn mà tươi mát, hương vị của tuổi thơ mãi còn vấn vương…
Sau này lớn lên rồi tôi mới biết, cái chum đất đâu đơn thuần là vật vô tri vô giác, mà tự lúc nào đã thành người bạn bình dị của ấu thơ, là nhân vật của những cuốn phim ghép lại thành ký ức dịu hiền và nỗi khắc khoải trong tôi không hẳn là những cọng dưa, không hẳn chỉ là cái chum đất… mà là tổng hòa cảm giác thân thuộc giữa quê nhà! Tình yêu quê hương, xứ sở bắt đầu từ những mạch nguồn giản dị như thế!”