CÂY RƠM TUỔI THƠ
Lang thang về vùng ngoại thành vào ngày cuối tuần, nhìn những bông lúa đã bắt đầu trổ đòng, tôi bỗng nhớ những ngày xưa cũ. Chỉ hơn tháng nữa thôi của nhiều năm về trước, khi lúa ngoài đồng đã gặt xong, rơm rạ được mọi người chuẩn bị kỹ càng, phơi phóng khắp đường làng ngõ xóm. Rơm bồng bềnh, lạo xạo dưới gót chân, nâng niu bao bàn chân trần thơ trẻ. Ra ngõ gặp rơm. Xuống đường đụng rơm. Nhưng chẳng ai lấy làm khó chịu, ngược lại càng thích thú. Đường làng như ướp thêm hương nồng xôn xao, mùi lúa mới còn sót lại, thoảng quyện mùi bùn đồng ruộng ngai ngái. Ngày trước ở quê tôi rơm cực kỳ quan trọng. Đó là thời kỳ dài khó khăn, rơm rạ được dùng để lợp mái nhà, người ta cũng trộn rơm vào bùn để trát vách, là nguyên liệu chính để đun nấu. Đây cũng là thức ăn để dành cho trâu bò trong những ngày Đông khi cỏ tươi khan hiếm hoặc mưa gió không thể chăn thả. Rơm nếp còn được cha tôi bện những chiếc đệm ấm áp. Cứ như thế, rơm bé nhỏ nhưng quá diệu kỳ, cùng cả nhà tôi vượt qua những đợt gió buốt tái tê. Bên cây rơm, lũ con nít ngồi tỉ mẩn lấy những sợi rơm thẳng, vàng nhất tết thành chổi hoặc đồ chơi, như: búp bê, con trâu, con dế… Cũng có khi chúng tôi tận dụng để làm chỗ nấp chơi trò năm mười. Lúc hứng chí lên, chúng tôi nghịch ngợm bày trò ra đồng vặt trộm ngô về lấy rơm làm mồi lửa nướng. Tình bạn ngọt ngào, tinh khôi của chúng tôi trải qua những kỷ niệm giản dị như thế…. Có lẽ vì vai trò quan trọng đó mà nhà nào cũng dựng cho mình một cây rơm trong nhà để “dùng dần”. Để tạo được một cây rơm cũng lắm kỳ công. Sau vụ gặt, rơm được phơi khô đều qua hai ba nắng, chuyển từ màu vàng sang màu xám trắng. Những mớ rơm phơi khô phảng phất mùi hương đồng nội được rải thành từng lớp cao dần và nén chặt xung quanh một cái cọc dài được chôn cố định dưới đất thành cây rơm. Công việc nghe qua tưởng đơn giản nhưng lại không dễ chút nào. Phải thật khéo léo mới xây được cây rơm vững chắc, không bị thấm nước khi trời mưa và có hình dáng cân đối, đẹp mắt. Giờ đây, cuộc sống ngày một nâng cao, vai trò của rơm cũng dần được thay thế bởi những vật dụng khác, rơm cũng chẳng cần tích lại làm thức ăn cho trâu bò khi ngày Đông tới. Thế nên khi rơm khô, người ta đốt hết. Chiều đến, khói đốt đồng mù mịt. Có nơi, rơm đốt ở huyện ngoại thành mà khói bay cả vào trong thành phố. Khói đốt rơm góp phần với bụi mịn khiến chất lượng không khí có thời điểm đến mức báo động ở thành phố lớn. Bây giờ về quê, không còn thấy mấy nhà còn có cây rơm ở trái nhà hay sau bếp. Ít nhà còn giữ bếp đun rơm, cũng chỉ là để làm kỷ niệm về một thời gian khó đã qua.