TheLEADERĐại dịch Covid-19 chính là cơ hội để nhìn lại và đưa ra những giải pháp căn cơ đối với việc quản lý các chung cư cao tầng.
Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và khai thác toà nhà PMC cho rằng, sau đại dịch Covid-19, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt, công tác vệ sinh và các biện pháp để đảm bảo môi trường sống sạch, lành mạnh cho cư dân sẽ được tăng cường.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc PMC
Dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian vừa qua đang cho thấy nguy cơ lây lan rất lớn của dịch bệnh trong các chung cư do môi trường sống tập trung đông người, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quang Huy: Thực tế đây không chỉ câu chuyện của chung cư mà đó còn là vấn đề của các đô thị lớn trong quá trình hội nhập và toàn cầu.
Thời gian vừa qua, dư luận đã chứng kiến rất nhiều vấn đề về an ninh xã hội liên quan đến các luồng người di dân, sống tập trung cao trong toà nhà, chung cư cao tầng, các thành phố lớn. Đằng sau những luồng người này là thói quen sống, tập quán cũng như bệnh tật.
Đại dịch Covid-19 là cơ hội để nhìn lại và đi sâu vào bản chất của việc quản lý chung cư. Qua đó, đưa ra những giải pháp căn cơ đối với các đô thị, đặc biệt là về quản lý chung cư cao tầng. Đã đến lúc chúng ta cần có một khái niệm mới trong cách nhìn nhận về quản lý đô thị.
Dịch bệnh Covid-19 được cho là xuất phát từ động vật, cụ thể là từ loài dơi. Trong khi đó, hiện nay ở chung cư, rất nhiều gia đình nuôi chó, mèo, thậm chí là các con vật hay trồng hoa ngoại lai. Ông có cho rằng đây chính là nguy cơ dẫn dẫn đến những ảnh hưởng về sức khoẻ cho cư dân?
Ông Nguyễn Quang Huy: Hiện nay, các hộ dân đang tranh cãi rất nhiều về việc có nên nuôi vật nuôi như chó, mèo hay trồng cây cảnh trong chung cư hay không. Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông, các ban quản trị nhà chung cư chưa nói rõ “ngọn ngành” về khoa học, môi trường của vấn đề này, dẫn đến không có sự đồng thuận trong cư dân.
Thực tế, từ khi Việt Nam mở cửa giao thương, người Việt đi nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, dường như chưa ai đặt câu hỏi, tại sao các quốc gia đang phát triển không cho người nhập cảnh mang thực phẩm vào quốc gia của họ. Đặc biệt, các quốc gia G7 như Nhật Bản hay Mỹ đều cấm và người mang sẽ bị phạt rất nặng.
Khi người dân mang thức ăn hay sinh vật vào các quốc gia đó, cả hệ thống của họ sẽ phải kiểm dịch và phòng ngừa các rủi ro đối với cộng đồng. Bởi trong mỗi một cây trồng, vật nuôi có hàm chứa cả những yếu tố môi trường như nguồn nước, sâu bệnh, dịch bệnh tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, Việt Nam lại rất “vô tư” khi cho nhập những động vật nuôi, như: cá cảnh, chó, mèo, chuột ngoại lai vào nước mình mà không cần biết ở quốc gia khác nó đã được thuần hóa, tiêm phòng bệnh hay chưa? Hay khi chúng sang đến Việt Nam thì chúng ta có cần phải xử lý các mầm bệnh không? Có phù hợp với môi trường sống của Việt Nam không? Các loại mầm bệnh sang đến nước ta có bị biến thể và gây hại cho con người không?
Tầm quan trọng của khoang lánh nạn ở chung cư
Khoa học đã chỉ ra rằng, tất cả vi rút ở trong con người đã được thuần hóa và tiến hóa, là những vi rút tốt. Nhưng ở động vật thì không. Đa phần các vi rút mang dịch bệnh đều xuất phát từ con vật, đặc biệt là gia cầm. Hầu hết các vi rút như: Sars, Zika, Ebola đều từ động vật, sau đó biến thể và lây truyền sang con người.
Nhìn sâu vào vấn đề này, chúng ta mới giật mình rằng, liệu các con vật như chim, chó, mèo được nuôi tại các gia đình có sinh ra các vi vi rút biến thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người? Trong khi đó, chung cư lại là một môi trường sống đông người, rất dễ lâu lan dịch bệnh.
Nói như vậy tức là ông cho rằng, cư dân không nên nuôi chó mèo trong chung cư?
Ông Nguyễn Quang Huy: Thực tế, rất khó để các cơ quan quản lý có thể ban hành một quyết định rằng cấm hay cho phép nuôi chó mèo trong chung cư. Nguyên nhân là do chung cư là một cộng đồng sống chung. Mọi quyết định trong cộng đồng này đều phải do cư dân tự thoả thuận và thống nhất.
Tại các nước phát triển trên thế giới, các trang trại chăn nuôi của nước ngoài đều phải đánh mã số cho các con vật nuôi của mình. Trước khi chuyển sang lò mổ, họ đều phải kiểm tra mã số nhận dạng, kiểm dịch. Điều này nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ con vật lây sang người như chúng ta đã biết đến hiện tượng bò điên.
Vậy trong cộng đồng chung cư, cư dân có lường hết được các mầm bệnh của vật nuôi hay không? Có truyền thông được về nguy cơ mầm bệnh cho mọi người nơi mình sinh sống không?
Những động vật ngoại lai có phù hợp để đem về nuôi tại Việt Nam? Các cơ quan dịch tễ có nghiên cứu những động vật này, nhằm đưa ra khuyến cáo cho người nuôi?
Trả lời được hết các câu hỏi đó, cư dân chung cư sẽ có thể quyết định xem họ có nên nuôi vật nuôi hay không. Nếu các chung cư cho phép nuôi chó mèo, họ sẽ phải tìm hiểu kỹ càng về vệ sinh dịch tễ và có cách phòng bệnh chặt chẽ.
Đã đến lúc, ban quản lý nhà chung cư cần đưa ra những chuẩn mực chung trong công tác quản lý sinh vật cảnh cũng như vật nuôi trong chung cư. Các chuẩn mực này cần cụ thể hoá bằng một bộ tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh trong chung cư và yêu cầu các hộ dân phải nghiêm túc thực hiện.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay đang đặt ra yêu cầu gì cho việc quản lý chung cư, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huy: Như đã phân tích, chung cư vốn là một cộng đồng sống đông người – môi trường rất dễ lây lan và bùng phát dịch bệnh. Tại Hàn Quốc, khu chung cư ở thành phố Daegu đã có đến 1/3 cư dân ở đây cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút corona.
Điều đó cho thấy mức lây lan dịch bệnh ở chung cư nhanh và nguy hiểm như thế nào. Nếu ban quản lý chung cư không có giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các chung cư nhiều khả năng sẽ “vỡ trận” lây lan dịch bệnh.
Thời gian vừa qua, nhằm tăng cường phòng ngừa, chống lây nhiễm dịch viêm phổi do vi rút corona, nhiều tòa nhà ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM do PMC quản lý đã được ban quản lý tòa nhà đưa ra những thông báo, khuyến cáo, các phương án phòng chống dịch.
Hơn một tháng này nay, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh do nCoV thường xuyên được các ban quản lý tòa nhà chú trọng. Không chỉ dán thông báo tại các thang máy lưu ý cư dân và khách nên sử dụng khẩu trang y tế, cách phòng bệnh, ban quản lý còn đặt chai rửa tay sát khuẩn để mọi người sử dụng trước khi bấm nút thang. Nhân viên làm sạch của tòa nhà cũng được yêu cầu thường xuyên khử khuẩn nút bấm thang máy.
Thay vì định kỳ khử khuẩn hàng tháng, khối làm sạch tại tòa nhà đã tăng tần suất sử dụng hóa chất chuyên dụng Cloramin B để khử khuẩn toàn bộ các khu vực trong tòa nhà, diệt côn trùng, đặc biệt là các khu vực sinh hoạt chung của tòa nhà.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải là chỉ khi có dịch xảy ra mới tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Dịch Covid-19 này sẽ là bài học cho các khu chung cư. Sau đại dịch, công tác quản lý, vận hành nhà chung cư chắc chắn sẽ được tăng cường, đặc biệt là đối với vấn đề vệ sinh dịch tễ, các biện pháp để đảm bảo môi trường sống sạch, lành mạnh cho cư dân.Công tác vệ sinh làm sạch và an ninh tại các toà nhà trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh nhằm p
hòng dịch trong cộng đồng từ xa, không chỉ đối với dịch Covid-19 lần này mà còn đối với dịch bệnh nói chung nhằm đề cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Bên cạnh đó, việc chủ động phòng dịch của mỗi cư dân người chính là tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!