Have any Questions?

0904615855

Nguyễn Hồng Minh: Sau mỗi khách hàng là một con người

PMC > Kinh nghiệm quản lý > Nguyễn Hồng Minh: Sau mỗi khách hàng là một con người

Chính nguyên tắc làm việc đó đã giúp Tổng giám đốc CTCP Quản lý và Khai thác Toà nhà PMC Nguyễn Hồng Minh đưa tên tuổi của PMC – một doanh nghiệp nội trong lĩnh vực quản lý bất động sản – lên ngang tầm các doanh nghiệp ngoại.

Nghề chọn người

Lâu nay, người Việt vẫn thường có thói quen gắn những tiêu chuẩn có sao, có vạch với những tên tuổi ngoại. Thậm chí, cách nâng chuẩn bằng ký hợp đồng quản lý và khai thác với các doanh nghiệp ngoại đang là một hướng đi của khá nhiều doanh nghiệp bất động sản. Kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp ngoại đã không chỉ tạo nên một hình ảnh mới về cuộc sống tiện nghi tại các chung cư, cao ốc, mà còn là một điểm cộng cho chính thương hiệu của các dự án bất động sản đó.

Đây là lý do mà tôi thực sự thấy lạ khi các dự án bất động sản thuộc diện có sao, như tổ hợp căn hộ cao cấp Sunrise City tại TP.HCM, cao ốc văn phòng Agribank Tower, VNPT Tower, trụ sở của Tập đoàn VNPT tại Hà Nội, hay trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Hapro Building tại Hà Nội lại được giao phó cho PMC quản lý, một doanh nghiệp nội 100%. Tổng diện tích PMC đã trực tiếp quản lý, vận hành và chuyển giao quy trình cũng như tư vấn lên tới trên 1 triệu m2.

Biết Nguyễn Hồng Minh, cha đẻ của PMC đã lâu, nhưng thực sự tôi cũng không hiểu nổi tại sao một người đang lăn lộn với vận tải đường biển, tốt nghiệp Khoa Vô tuyến điện, Đại học Hàng hải lại có một bến đậu hoàn toàn khác biệt như vậy. “Tôi bước chân vào giảng đường Đại học Hàng hải năm 1987. Lúc đó, cũng như bao bạn trẻ cùng trang lứa, tôi chọn trường học theo cảm tính và phong trào, chạy theo thu nhập hơn là sở thích và đam mê nghề nghiệp cá nhân”, anh Minh kể lại.

Tốt nghiệp đại học đúng lúc nền kinh tế Việt Nam rơi vào khó khăn, không xin được việc đúng chuyên môn, nhưng anh Minh có lợi thế vốn tiếng Anh được đào tạo khá bài bản. Nghề sinh nhai đầu tiên anh làm là lễ tân khách sạn. Có thể đây cũng là cơ duyên để sau này, cho dù đã chuyển sang làm việc tại hãng tàu vận tải container thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, anh Minh đã được lựa chọn để giao nhiệm vụ thành lập một công ty quản lý bất động sản chuyên nghiệp quản lý tòa nhà Ocean Park từ năm 2002.

Lúc đó, hàng loạt cao ốc quy mô lớn khác như Tòa nhà Vietcombank, HITC đều là các sản phẩm liên doanh với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm. Ocean Park là cao ốc văn phòng cao cấp lớn nhất và đầu tiên do doanh nghiệp nhà nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Ngay cả anh Minh khi đó có lẽ cũng không nghĩ rằng, một bước ngoặt mới sẽ mở ra với chính bản thân mình.

“Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi làm việc với bản năng thông thường của người đi làm thuê là hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao trong điều kiện hiện có. Tôi đã đến với nghề này theo lẽ tự nhiên như vậy”, người chủ của công ty quản lý và khai thác toà nhà có quy mô hàng đầu Việt Nam ôn lại ngày được chọn vào nghề…

Người chọn chuẩn

Ngay vào thời điểm này, sau gần chục năm thị trường bất động sản bùng nổ ở các phân khúc, từ thấp cấp đến cao cấp, thì nghề quản lý bất động sản dường như vẫn còn rất mới. Giới trẻ không hình dung được gì về công việc này đã đành, trường lớp không đào tạo, ngay cả nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này cũng chẳng hình dung rằng cần phải học hỏi gì.

Nhìn bề ngoài, quản lý bất động sản có vẻ đơn thuần là làm các công việc lễ tân, an ninh, làm sạch. Nhiều người quan niệm đó là những công việc tay chân đơn giản. Nhưng thực ra, có đi sâu vào lĩnh vực bất động sản, mới hiểu rằng, mỗi dòng sản phẩm như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, căn hộ, chung cư, cao ốc đến biệt thư đơn lẻ… đều có những tiêu chuẩn và yêu cầu dịch vụ khác nhau.

“Về lý thuyết, quản lý bất động sản nhằm cung cấp không gian cho các hoạt động của con người. Mà yêu cầu về chất lượng của con người thường không có giới hạn. Chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau rằng, sự hài lòng của khách hàng không bao giờ là tuyệt đối, là đứng yên. Và đây cũng là điểm hấp dẫn của nghề”, anh Minh tâm sự.

Tuy nhiên, sự phi giới hạn của chất lượng dịch vụ lại chính là thách thức lớn với người lao động Việt Nam, vốn yếu về kỹ năng cá nhân, yếu về khả năng làm việc nhóm, đặc biệt trong khối vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật. Trong khi đó, quản lý bất động sản phải là cả một chuỗi các bộ phận tham gia cung cấp dịch vụ. Chính vì vậy, cái khó của nghề này không chỉ dừng lại ở đào tạo hay không, mà quan trọng hơn, theo anh Minh, đó là định chuẩn cho các dịch vụ được cung cấp.

“Với kinh nghiệm thực tế, khi bắt tay vào thành lập công ty quản lý bất động sản vào năm 2002, chúng tôi dựa trên chuẩn mực và tiêu chuẩn chung quốc tế đang áp dụng để xây dựng riêng bộ tiêu chuẩn cho từng dòng bất động sản của PMC”, anh Minh kể và cho rằng, cách đi nhanh nhất của sự học hỏi này là bắt tay với các công ty tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm và nhận chuyển giao công nghệ. PMC đã đi theo con đường này để làm chủ công nghệ và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Len chân trong sân chơi rộng

Nhưng cũng chẳng dễ để một công ty trong nước như PMC có được chỗ đứng trong ngành quản lý bất động sản. Lý do lại chính là tâm lý sính ngoại của người Việt, chứ không hẳn là chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Không chỉ chọn cho dự án những cái tên ngoại cho sang, hầu hết các chủ đầu tư bất động sản đều nghĩ rằng, chỉ công ty quản lý có tên tuổi quốc tế mới có thể cung cấp dịch vụ quản lý chuyên nghiệp.

Trong không ít lần gặp gỡ các đối tác để thuyết phục họ trao quyền quản lý cho PMC, anh Minh kể lại cảm giác hết sức phũ phàng là khi nghe giới thiệu PMC là công ty Việt Nam, do người Việt Nam điều hành, thì khách hàng tỏ ra e ngại, thậm chí đánh giá thấp năng lực của PMC. “Hình ảnh công ty Việt Nam về quản lý bất động sản thường bị các chủ đầu tư liên tưởng đến sự quản lý luộm thuộm”, anh Minh hồi tưởng.

Nhưng khách hàng càng từ chối, càng đánh giá thấp PMC, thì càng tạo cho anh cùng các đồng sự thêm ý chí và đam mê để có thể làm được không thua kém các công ty nước ngoài. Anh luôn trăn trở, tại sao các công ty nước ngoài chỉ có tiêu chuẩn, quy trình quản lý đơn sơ và có phần chắp vá, lại có thể thành công? Tại sao mỗi toà nhà chỉ có một nhân sự cao cấp nhất là người nước ngoài, còn lại toàn là lao động thủ công, kỹ sư người Việt lại có thể vận hành trơn tru. Liệu mô hình này có còn khả thi không, nếu công ty nước ngoài rút đi nhân sự cao cấp? Những trăn trở đó thôi thúc anh xây dựng hệ thống quy trình quản lý toà nhà, đồng thời, lập ra chiến lược thực thi những tiêu chuẩn đó.

Thoạt nghe có vẻ đơn giản là chỉ cần có tiêu chuẩn, có nhân sự thì triển khai được. Nhưng thực tế lại đầy thách thức. Bởi ngay các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới như Accor, Hilton, hay InterContinental cũng không thể đơn giản chỉ tuyển người có kinh nghiệm là có thể vận hành và quản lý được khách sạn. “Trong nghề quản lý bất động sản, nhân sự là tối quan trọng”, anh Minh nhấn mạnh.

Để giảm thiểu những hạn chế và điểm yếu nguồn nhân lực khi áp dụng những tiêu chuẩn dịch vụ quốc tế và chuyên nghiệp, chiến lược nhân sự của PMC dựa vào ba trụ cột: hiểu biết nền tảng được đào tạo, lựa chọn, thái độ với nghề nghiệp và kỹ năng nghề. Anh đòi hỏi mỗi nhân viên phải có kiến thức tổng quát về văn hóa – xã hội cũng như nền tảng được đào tạo. Đồng thời, công việc có thể chỉ là kế sinh nhai ban đầu, nhưng về lâu dài, người làm nghề này phải coi nghề như sự nghiệp và biết yêu nghề. Và không kém phần quan trọng, mỗi vị trí luôn có những tiêu chuẩn kỹ năng nghề riêng và mỗi nhân viên phải nắm chắc được kỹ năng nghề đó. “Ba trụ cột trên sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh về nhân sự cho PMC”, anh Minh khẳng định.

Cách đi không thoả hiệp với chất lượng đã tạo được vị trí cho PMC trong cuộc cạnh tranh tưởng như không cân sức. Hiện giờ, trong danh mục bất động sản mà PMC đang quản lý, những tên tuổi lớn đã dày hơn. Đó là VNPT Tower, trụ sở của Tập đoàn VNPT tại Hà Nội, khách hàng lớn nhất trong khối văn phòng; đó là Sunrise City, khách hàng lớn nhất trong phân khúc căn hộ…

Trò chuyện với Nguyễn Hồng Minh

Nghề quản lý bất động sản có gì hấp dẫn anh?

Vì là nghề hoàn toàn mới nên có rất nhiều thách thức và thách thức lại tạo cho tôi động lực được trải nghiệm và chinh phục. đó là những thách thức về quản lý nhân sự, tiêu chuẩn dịch vụ và lòng mến khách và trên hết là không có sự nhàm chán trong công việc.

Để một công ty quản lý bất động sản Việt Nam thành công, cần tạo dựng bản sắc riêng hay chỉ cần làm theo mô hình của các công ty nước ngoài có sẵn?

Nếu chỉ bắt chước và học cách giản đơn mô hình công ty nước ngoài, thì đơn giản quá. Bài học thất bại này luôn luôn có trước mắt chúng ta. Hiểu sâu về nghề, thị trường và đưa ra chiến lược khác biệt thì mới tồn tại, phát triển.

Anh làm gì để tạo động lực cho nhân viên, từ an ninh, làm sạch cho đến cấp quản lý?

Ai cũng được tham dự, dấn thân và được công nhận tạo ra giá trị khi phục vụ khách hàng.

Nguyên tắc và triết lý quản lý bất động sản mà anh và các nhân viên PMC đang theo đuổi là gì?

Trung thực, không thỏa hiệp chất lượng, đằng sau mỗi khách hàng không phải thượng đế mà là một con người, bởi thượng đế bao dung, còn khách hàng có rất nhiều nhu cầu mà công ty quản lý cần phải làm hài lòng.

Theo Báo đầu tư

Công ty CP Quản lý & Khai thác Toà nhà PMC
57 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội.
Tel: (+84) 24 3773 8686
Fax: (+84) 24 3773 7777
Website: https://pmcweb.vn
Email: pmc(at)vnpt(dot)vn

PMC © 2012 - 2018. All rights reserved.

DMCA.com Protection Status

Get In Touch

Latest Posts